Quốc hội và tiến trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về Kế toán - Kiểm toán Việt Nam thời kỳ đổi mới

Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc Hội có 3 chức năng chính: Lập hiến, lập pháp; Giám sát tối cao và Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Quốc Hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nuớc cao nhất của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc Hội có 3 chức năng chính: Lập hiến, lập pháp; Giám sát tối cao và Quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội khóa XIV – Kỳ họp thứ Chín

Chức năng lập Hiến, lập pháp: Quốc Hội ban hành và sửa đổi Hiến pháp. Việc soạn thảo, thông qua, công bố Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp và thủ tục, trình tự giải thích Hiến pháp do Quốc hội quy định. Quốc Hội ban hành các Luật, Bộ Luật, Nghị định thư, Nghị quyết, Hiệp định - Hiệp ước, Công ước…Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành các Pháp lệnh, Nghị quyết.

Chức năng giám sát tối cao: Quốc Hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân thủ theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội; xét báo cáo hoạt động của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chức năng giám sát của Quốc hội được thực hiện thông qua các hoạt động giám sát của các cơ quan của Quốc hội như: Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội và Ðại biểu Quốc hội.

Chức năng quyết định các vấn đề quan trọng: Là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, Quốc hội quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) và phân bổ NSNN; phê chuẩn tổng quyết toán NSNN; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế; quyết định thành lập, bãi bỏ các cơ quan ngang Bộ của Chính phủ thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập hoặc giải thể đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; quyết định vấn đề chiến tranh và hoà bình; Quy định về tình trạng khẩn cấp, các biện pháp đặc biệt khác bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia; Quyết định đại xá; Quyết định trưng cầu ý dân; Quyết định chính sách cơ bản về đối ngoại; phê chuẩn hoặc bãi bỏ các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia theo đề nghị của Chủ tịch nước.

Đồng chí Vương Đình Huệ tuyên thệ nhận nhiệm vụ Chủ Tịch Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam ngày 31/3/2021

Khuôn khổ pháp lý về kế toán của Việt Nam được hình thành từ khi thành lập nước với những quy định có tính pháp lý đầu tiên từ năm 1946. Trong các giai đoạn tiếp theo, khuôn khổ pháp lý về kế toán tiếp tục được hoàn thiện với các quy định về kế toán Nhà nước; kế toán các doanh nghiệp, xí nghiệp quốc doanh gắn với từng giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước.

Bước vào những năm đầu của thời kì đổi mới (từ năm 1986), khuôn khổ pháp lý về kế toán Việt Nam đã có những cải cách đầu tiên đặt nền móng cho đổi mới hệ thống kế toán Việt Nam giai đoạn tiếp theo với việc Hội đồng Nhà nước ban hành Pháp lệnh Kế toán, thống kê năm 1988.

Những năm đầu của thập kỉ 1990, lĩnh vực kiểm toán độc lập được hình thành ở Việt Nam và cũng trong giai đoạn này các quy định pháp lý về kiểm toán độc lập cũng được ban hành và ngày càng hoàn thiện.

Những năm 2000, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đã định hình rõ hơn; hội nhập quốc tế về kinh tế đã sâu rộng hơn. Vì vậy, để thống nhất quản lý kế toán, kiểm toán bảo đảm kế toán, kiểm toán là công cụ quản lý, giám sát chặt chẽ, có hiệu quả mọi hoạt động kinh tế, tài chính, cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực, kịp thời, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức, quản lý điều hành của cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đòi hỏi phải có Luật kế toán, kiểm toán độc lập và kiểm toán Nhà nước. Việc nghiên cứu và ban hành các luật về kế toán, kiểm toán cũng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế nhất là lĩnh vực dịch vụ kế toán - kiểm toán. Trong giai đoạn từ năm 2000 đến nay, Quốc Hội đã ban hành 05 luật có liên quan đến lĩnh vực kế toán, kiểm toán, gồm:

- Luật kế toán số 03/2003/QH11 được Quốc Hội khoá XI thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 17 tháng 6 năm 2003, bao gồm 7 chương với 64 điều. Luật đã quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán và hoạt động nghề nghiệp kế toán cho các đối tượng liên quan.

- Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20 tháng 11 năm 2015. Luật này bao gồm 6 chương với 74 điều. Luật quy định về nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.

- Luật số kiểm toán độc lập số 67/2011/QH12 được QH khoá XII thông qua kỳ họp thứ 9 ngày 29 tháng 3 ngày 2011, bao gồm 8 chương với 64 điều đã quy định nguyên tắc, điều kiện, phạm vi, hình thức hoạt động kiểm toán độc lập; quyền, nghĩa vụ của kiểm toán viên hành nghề, DN kiểm toán, chi nhánh DN kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam và đơn vị được kiểm toán.

- Luật Kiểm toán Nhà nước số 81/2015/QH13 được QH khoá XIII thông qua kỳ họp thứ 9 ngày 24 tháng 6 ngày 2015, bao gồm 9 chương với 73 điều đã quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.

- Luật số 55/2019/QH14: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Kiểm toán nhà nước, được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2019 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13 cho phù hợp tình hình mới hiện nay.

Các nhà khoa học Khoa Kế toán trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã tham dự Hội thảo quốc gia về dự thảo 05 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 được Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán Bộ Tài chính đã phối hợp với Học viện Tài chính đồng tổ chức ngày 15 tháng 6 năm 2020 (TS. Vũ Đức Chính - Cục Trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán- Bộ Tài chính phát biểu khai mạc)

Trong tiến trình hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán Việt Nam nói chung và xây dựng, ban hành các luật về lĩnh vực kế toán, kiểm toán nói riêng, Các nhà khoa học của khoa Kế toán - Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp luôn tích cực và chủ động tham gia góp ý kiến tại các diễn đàn, các hội thảo khoa học nhằm góp ý xây dựng và hoàn thiện các luật về lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Ngoài ra, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã tổ chức các hội thảo khoa học cấp Bộ môn, cấp Khoa và cấp Trường nhằm thảo luận, góp ý cho các bản dự thảo các văn bản luật cũng như các văn bản pháp lý dưới luật.

Trong những năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ngày càng trở nên rõ nét hơn. Vì vậy, thực tiễn hoạt động kế toán, kiểm toán sẽ có nhiều thay đổi đỏi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán nói chung, sửa đổi hoặc ban hành thay thế các luật về kế toán, kiểm toán độc lập và kiểm toán Nhà nước. Chúng tôi tin tưởng rằng, Quốc Hội khóa VI sẽ tiếp tục phát huy tốt hơn nữa chức năng lập hiến, lập pháp để hoàn thiện các luật về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của Kế toán, kiểm toán Việt Nam trong thời gian tới.

Khoa Kế toán_UNETI

 

Có thể bạn quan tâm