Muốn giỏi kế toán không khó

Để trở thành một kế toán giỏi là điều mà rất nhiều bạn chuẩn bị học kế toán, đang học kế toán và đang làm kế toán đều muốn đạt được nhưng để đạt được trình độ đó thì có khó không? Câu trả lời là không khó nhưng để giỏi kế toán nó phải có những yêu cầu nhất định. Những yêu cầu này mình nêu ra dựa vào kinh nghiệm và quan điểm cá nhân, các bạn có thể tham khảo và góp ý nhé.

Muốn giỏi kế toán phải có kiến thức chuyên môn

1. Kiến thức chuyên môn về kế toán

Kiến thức chuyên môn về kế toán, tài chính là yếu tố bạn bắt buộc phải có nếu bạn muốn giỏi kế toán. Nó chính là kết quả của quá trình học tập từ trường lớp và kinh nghiệm làm việc thực tế của bạn. Qua khoảng thời gian ấy, bạn sẽ bổ sung những kiến thức cần thiết cho mình và học hỏi nhiều điều từ những người đi trước để làm vốn kinh nghiệm cho bản thân cũng như trong quá trình làm dịch vụ kế toán. Mặc dù không có một lịch trình cụ thể cho từng người, nhưng mình muốn gợi ý với bạn 1 lộ trình cơ bản để bạn biết mình phải học gì cho từng giai đoạn: 4 năm đầu sau khi tốt nghiệp bạn phải nắm vững các kiến thức về hạch toán kế toán để 4 năm tiếp theo bạn có đủ nền tảng để tập trung về phân tích và làm báo cáo chuyên nghiệp, và 4 năm tiếp theo bạn phải có một kiến thức vững chắc về kiểm soát tài chính.

2. Kế toán giỏi thường có kiến thức về tin học

Làm kế toán, tài chính luôn gắn liền với hàng loạt hệ thống do đó muốn giỏi kế toán, bạn cũng phải có kiến thức tin học để nắm vững về hệ thống. Những kiến thức cơ bản về Windows, Excel, Access, vv…là nền tảng cho bạn tiếp cận với các hệ thống cao hơn khi đi làm như: SAP, Oracle, Navision, Hyperion, vv…Hệ thống thì rất nhiều nhưng bạn chỉ cần nắm vững 1 vài hệ thống thì khi có cơ hội, bạn cũng sẽ làm tốt với các hệ thống khác.

3. Khả năng ngoại ngữ

Với xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, các tập đoàn lớn của nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều và các tập đoàn Việt Nam đầu tư ra nước ngoài cũng không ít. Do đó, một khả năng ngoại ngữ tốt, đặc biệt là tiếng Anh sẽ giúp các bạn làm tốt công việc hơn nhiều. Với kinh nghiệm gần 15 năm làm trong các tập đoàn đa quốc gia thì mình thấy ngoại ngữ là một lợi thế rất lớn cho việc phát triển sự nghiệp của các bạn. Và một số công ty còn có chính sách là những bạn giỏi ngoại ngữ sẽ được hưởng một phụ cấp cố định trong mức lương hàng tháng.

4. Kế toán cũng cần có kiến thức về xu hướng kinh doanh

Chắc các bạn sẽ rất ngạc nhiên khi mình nói muốn làm kế toán giỏi thì phải giỏi về xu hướng kinh doanh. Tuy nhiên, mình xin khẳng định với các bạn, những nhà quản lý nói chung và quản lý tài chính, kế toán nói riêng thì ngoài việc giỏi chuyên môn cũng cần có những kiến thức tổng quan về sản xuất, hậu cần, kinh doanh, vv…Trong một doanh nghiệp thì kế toán bao giờ cũng là khâu cuối cùng của mọi quá trình, nên để làm tốt kế toán, chúng ta phải làm tốt ngay từ lúc xuất phát ở các phòng ban khác.

5. Cập nhật kiến thức về luật thuế và luật doanh nghiệp

Không kém phần quan trọng đó là phải thường xuyên cập nhật các thông tư nghị định về luật thuế và luật doanh nghiệp. Nền kinh tế có nhiều biến động, vì vậy Nhà nước cũng phải liên tục thay đổi các chính sách để phù hợp với từng thời điểm. Cho nên, là một kế toán chuyên nghiệp, muốn giỏi bạn phải nắm bắt được những điều này một cách nhanh chóng và kịp thời để có thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Điều chắc chắn là khi bạn nắm vững luật thì các bạn sẽ tối ưu được chi phí thuế một cách hợp lý và hợp pháp. Và khi cơ quan thuế xuống quyết toán hay thanh tra bạn cũng sẽ có thể giải trình các yêu cầu của họ.

Muốn giỏi kế toán phải có các kỹ năng mềm

6. Nâng cao tư duy logic.

Tư duy logic không chỉ giúp bạn giải quyết vấn đề, phân tích các số liệu 1 cách chính xác, hiệu quả mà còn giúp bạn nắm bắt công việc mới nhanh chóng. Cho dù bạn làm ở vị trí nào thì tư duy logic cũng rất cần thiết, bằng tư duy logic chúng ta có thể nhận biết được mức độ đúng sai của một báo cáo hay một bảng số liệu.

7. Khả năng quan sát, phân tích, tổng hợp

Như bạn đã biết, công việc mà kế toán phải làm khá nhiều: thu thập chứng từ, ghi sổ và lên báo cáo, vv… Những công việc này đòi hỏi khả năng quan sát để phản ứng kịp thời với những sự việc phát sinh, từ đó phân tích, tổng hợp chúng một cách hợp lý.

8. Có tính độc lập cao trong công việc, quyết đoán và minh bạch

Một nguyên tắc bất di bất dịch của kế toán viên là phải độc lập và rõ ràng, tất cả công việc bạn phải thực hiện trên nguyên tắc “chứng từ và hợp lý” chứ không làm theo bất cứ yêu cầu hay lời nói suông cho dù người đó là ai! Với những ai đã đi làm rồi thì chắc chắn hiểu nguyên tắc này khi phải giải trình và chịu trách nhiệm trước cấp trên, với thuế và kiểm toán, vv…Do đó một kế toán giỏi là phải độc lập và có lý luận trong các quyết định của mình.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là bạn dửng dưng và không liên quan gì với công việc của người khác. Bạn là một cá thể trong tập thể, là một nhân viên kế toán trong hệ thống kế toán của đơn vị, phòng kế toán là một bộ phận trong doanh nghiệp, vậy nên “tinh thần đồng đội” cũng rất được đề cao ở đây đấy.

9. Khả năng chịu đựng áp lực công việc

Kế toán vừa phải tuân thủ rất nhiều các quy định từ pháp luật về kế toán và thuế, cũng như các quy định nội bộ công ty vừa phải đảm bảo các nghiệp vụ được ghi nhận kịp thời và chính xác. Do vậy, kế toán thường xuyên phải đối mặt với tình trạng căng thẳng và áp lực rất lớn từ công việc, đặc biệt là vào những kỳ báo cáo, quyết toán, thanh tra, vv…

10. Khả năng diễn đạt

Bạn muốn là người được mọi người tin tưởng và đặt niềm tin, là một chuyên gia tư vấn cho các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực tài chính, kế toán? Vậy thì chắc chắn bạn sẽ phải có khả năng diễn đạt tốt.

Ngoài việc tính toán ghi chép các số liệu, bạn sẽ là người thuyết trình trước các nhà lãnh đạo, trước những nhân viên nơi mình làm việc về “sức khoẻ”- tình hình tài chính của đơn vị, là người sẽ đưa ra những tư vấn cho các nhà quản trị. Để lời nói của bạn là những “lời nói vàng” thì khả năng diễn đạt là không thể thiếu.

Diễn đạt tốt trong kế toán là ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng, mạch lạc và chính xác. Vì thế, bạn đừng nhầm khả năng này với kiểu nói “hoa hoè hoa sói”, hay ví von nhé.

Muốn giỏi kế toán phải có đam mê và thái độ tích cực trong công việc

11. Cẩn thận và trung thực

Kế toán là ngành nghề tiếp xúc trực tiếp đến các khoản thu – chi ngân sách của doanh nghiệp. Do đó, sự trung thực luôn được đề cao, hạn chế mức thấp nhất các hành vi gian dối, trục lợi cá nhân dựa trên nguồn tiền doanh nghiệp.

Bên cạnh sự ngay thẳng, cẩn thận cũng là điều vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, toàn bộ quá trình làm việc của nhân viên kế toán gần như đều làm việc với những con số. Mọi sự sai sót của nhân viên kế toán đều có thể gây nên tổn thất của doanh nghiệp. Không những thế, nếu xảy ra vấn đề không mong muốn, nguy cơ đối diện với pháp luật của nhân viên kế toán là rất cao.

12. Giỏi toán và yêu thích những con số

Một nhân viên kế toán cần phải yêu thích những con số. Là nhân viên kế toán, bạn làm việc với các con số ngày này qua ngày khác. Bạn cảm thấy hạnh phúc khi “sắp xếp” chúng vào đúng nơi, làm cho chúng có giá trị, và biến chúng trở thành những con số “ biết nói” với những người quan tâm.

Sự cố gắng không thể thay thế được niềm đam mê. Vì vậy, sẽ là một sai lầm nghiêm trọng nếu bạn đến với nghề kế toán mà không đam mê những con số.

13. Hãy chia sẻ, hỗ trợ và học hỏi

Khi bạn có kiến thức, đừng ngại chia sẻ cho người khác khi họ cần, vì cho dù có giữ nó cho riêng bạn thì cũng chẳng giúp bạn giỏi thêm tí nào. Và khi hôm nay bạn giúp một ai đó thì (tin tôi đi!) trong tương lai bạn cũng sẽ nhận được sự giúp đỡ và nhiều hơn nữa từ chính người đó hoặc một ai khác sẽ giúp bạn hoặc giúp những người thân của bạn. Thực tế cho thấy, thông qua các trao đổi khi bạn hướng dẫn cho người khác thì mới giúp bạn hiểu sâu hơn và có thêm kiến thức mới. Còn đi làm thì bạn phải còn học hỏi, bạn có thể học từ cấp trên của mình, từ đồng nghiệp, từ các công ty khác…và nguồn quan trọng nhất là Google (thứ thật với các bạn, >50% kiến thức mình học từ Google :-))

14. Mối quan hệ

Tiêu chí này mình đặt cuối cũng nhưng thật ra nó rất quan trọng. Các bạn phải hiểu chữ “Mối quan hệ” ở đây chỉ mang nghĩa là khi có xung đột với người khác đừng làm mọi thứ trở nên trầm trọng khi không cần thiết, chứ không mang nghĩa là lấy lòng hay thân thiết với một ai đó. Trong quan hệ công việc thì dễ của phòng này sẽ là cái khó của phòng khác, dễ của người này sẽ là khó khăn của người khác. vv…vì vậy hãy cố gắng 1 tỷ lệ win-win và cũng đừng vì mục tiêu của mình mà tận dụng thái quá người khác!

Các yếu tố trên chỉ mang tính quyết định “kỹ thuật”, ngoài ra nghề nào cũng vậy, bạn cần phải có sự đam mê, đầu tư và một chút may mắn thì mới có sự thành công.

Theo Phạm Thanh Hải

Có thể bạn quan tâm